Lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ. Đây được coi là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Vậy đã có ai tự nhủ rằng tại sao chúng ta lại có ngày "Vu lan báo hiếu" hay thực sự hiểu ý nghĩa của ngày này chưa? Hãy cùng Japanshop.vn tìm hiểu sâu hơn về ngày lễ này nhé!
NGUỒN GỐC NGÀY LỄ VU LAN
Xuất phát từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.
Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: " Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hãy theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Ý NGHĨA NGÀY LỄ VU LAN
Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Đây một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngày nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà còn trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.
Trong tư tưởng hiện đại, tinh thần đạo hiếu rất cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
LÀM GÌ VÀO NGÀY LỄ VU LAN
Ngày lễ Vu lan báo hiếu 2020 rơi vào ngày 2/9 dương lịch. Theo thông lệ hàng năm của người theo đạo Phật, vào ngày này, những người con thường có một số hoạt động thể hiện lòng thành tâm của mình với ông bà, cha mẹ.
Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc. Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.
Trong tuần lễ VU lan, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…
Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình. Ngoài ra, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Đây là một nghi lễ được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.
Đối với chúng ta đôi khi câu nói "Con yêu cha,mẹ" có khi thật ngượng ngùng khi thốt ra. Vì thế đây là một dịp đặc biệt để chúng ta có thể thể hiện tình yêu dành cho cha mẹ mình. Hãy luôn trân trọng và quan tâm chăm sóc cha mẹ dù cho chỉ là một hành động nhỏ bé.
Để hưởng ứng ngày lễ đầy ý nghĩa và tính nhân văn này, Japanshop.vn dành tặng cho bạn những lời tri ân đến đấng sinh thành vô cùng ý nghĩa. Hãy đón chờ chương trình "TRI ÂN ĐẤNG SINH THÀNH - VU LAN TRÒN ĐẠO HIẾU" vào ngày 01/09/2020 bạn nhé!